Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

Du Lịch Campuchia 1 trong 7 kỳ quan thế giới Angkor Wat

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Hành Trình Việt

VietVentures 27/1 Nguyen Van Nguyen Street, Dist 1, Ho Chi Minh – Tel: +84 8 38 48 26 27

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Núi Sam Châu Đốc An Giang



Trên con đường trải rộng cách thị xã An Giang chừng 60 km về hướng Tây, một buổi chiều nắng êm ả, tết Đoan Ngọ, tôi trở lại núi Sam. Những hàng sứ trắng đầu xuân đã nhường chỗ cho phượng vĩ tràn cả lối đi. Núi Sam như bừng sáng lên giữa "đám lửa" rực rỡ của mùa phượng vĩ nở hoa.

Nơi núi Sam ngự trị

Người ta gọi là núi Sam. Núi có diện tích khoảng 280ha, với độ cao vừa phải 241m. Vào thời nhà Nguyễn, núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên - ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là rặng núi lẻ loi cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Khi đứng từ trên đỉnh cao nhất của núi Đá Dựng (cách đó khoảng 6km) ta sẽ nhìn thấy giữa cánh đồng xanh ngát là hình ảnh một con sam. Có nhiều câu chuyện truyền thuyết về loài sam từng sinh sống nơi đây.
Núi Sam Châu Đốc An Giang

Núi Sam Châu Đốc An Giang


Vùng đất này thật trù phú, cả một đoạn đường dài một bên là biển, bên kia là những cánh đồng lúa xanh ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Thỉnh thoảng, xuất hiện những ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc Campuchia (thờ đạo Phật – phái An Tông hoặc Tiểu Thừa, tăng ni thường mặc áo vàng và sống bằng cách đi khất thực). Nơi này khí hậu ôn hòa mát mẻ vì ngoài cánh đồng, núi Sam còn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch.

Đường lên núi Sam

Từ hai thế kỷ trước, qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia "Vĩnh Tế Sơn") thì núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy. Trong vòng bán kính khoảng 10km đổ lại bên cạnh núi Sam còn có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang... và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ...

Tách khỏi dòng người đổ về viếng núi Sam trong ngày lễ, theo lời kể của một người dân địa phương, tôi men xuống sườn Đông núi Sam để tìm một ít lá giang. Nếu đã từng nhấm qua một lần cái hương vị của loại lá này, ta sẽ cảm nhận sự thú vị ở đầu lưỡi bởi vị chua thanh lẫn chút bùi bùi. Lá giang dùng nấu canh với thịt gà ăn rất ngon.

Và lạ lắm, cùng một loài này nhưng nếu mọc ở sườn núi phía Tây hay phía Đông thì hương thơm, vị ngon và độ màu cũng khác nhau. Một người dân địa phương giải thích rằng, ở sườn phía Đông núi Sam đón nhận ánh nắng đầu tiên của mặt trời nên loài cây trái nào hương vị cũng thanh hơn.

Những truyền thuyết in trên núi đá

Hang Thủy Tề

Chuyện về loài Sam vẫn chưa kết thúc. Tôi được thầy Ngọc Minh, một tăng sư đã có 15 năm gắn bó với ngọn núi thơ mộng kể cho nghe một truyền thuyết khác. Thầy đưa tôi đến một cái miệng hang hiện đã được lấp tạm thời bằng xi măng, phía bên trái cách lối đi vào chừng khoảng 3 mét, thầy bảo đây là đường đi xuống thủy tề. Tôi ngạc nhiên, thầy tiếp tục câu chuyện của mình...
Hang Thủy Tề
Hang Thủy Tề



Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Trước đây có một cái dây thừng thòng từ miệng hang xuống, nhưng vì du khách đến đây đu dây nhiều quá nên bị đứt một nửa. Năm 1978, Pôn Pốt tràn qua chiếm đóng vùng đất này, chính quyền địa phương đã cho lấp hang lại vì sợ chúng cất giấu vũ khí.

Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.
Bàn thờ Thủy Tề 200 tuổi
Bàn thờ Thủy Tề
Bàn thờ Thủy Tề



Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá...

Bên cạnh cái hang được gọi là "vương địa" đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

Người con gái trên đá
Người con gái trên đá
Người con gái trên đá



Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù - người có tiếng nói êm dịu - tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh. Tôi hỏi khối đá này đã xuất hiện tự khi nào thì được biết nó đã có từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

Chuông cổ
Chuông cổ
Chuông cổ



Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi... Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…

Sưu tầm

Thắng cảnh Moso Kiên Giang



Moso không chỉ là thắng cảnh thu hút du khách khi đến Hà Tiên mà còn là tuyệt tác của thiên nhiên bởi vẻ đẹp kỳ thú và huyền ảo. Nằm cách Hà Tiên 27km về phía tây nam, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với địa thế hang động hiểm trở, Moso còn là căn cứ chỉ huy, là địa chỉ “đỏ” của các nhà hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Moso là tên gọi chung cho những hang động ăn luồn nhau, có nhiều ngõ ngách trong núi, vách là đá vôi nên được đồng bào Khmer gọi là Moso (đá trắng). Thuở xưa, khi chân núi còn tiếp giáp với biển, những cơn chấn động địa chất đã gây ra hiện tượng đất đai bị sụt lún làm nước biển tràn vào đất liền. Theo thời gian nước biển cùng với sóng xâm thực xoáy sâu vào chân núi tạo thành nhiều hang động. Sự tác động liên tục và kéo dài đã tạo ra những quần thể hang động khác nhau, lòng hang trông rất kỳ lạ và đa dạng nhưng thường có hình bầu dục, bóng loáng và rộng rãi. Đến thăm Moso vào mùa nước lũ, du khách phải vào hang bằng xuồng ba lá rất khó khăn nhưng đi vào mùa khô thì chỉ cần xăn quần lội nước.
Thắng cảnh Moso

Thắng cảnh Moso (Kiên Giang): vẻ đẹp kỳ thú và huyền ảo


Theo lối mòn ngay chân núi là đường dẫn vào hang, bên trong vào mùa mưa thường có nước đọng lại gây ngập nên người ta cho đặt những chiếc cầu gỗ tại chỗ trũng, ngoài ra còn có hệ thống chiếu sáng giúp du khách đi lại dễ dàng. Len qua dãy hành lang thăm thẳm, du khách như đang lạc vào một thế giới xa lạ. Ở đó, trên vách đá dựng đứng có nhiều thạch nhũ, từng ngõ ngách vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời hoang dã như vỏ sò bám trên vách hang...

Moso có một hệ thống hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi điệp trùng, có nhiều hang thông với nhau, khi to khi nhỏ, hang to có thể chứa cả một tiểu đoàn. Bên trong hang còn có một thung lũng độc đáo rộng khoảng 700m2, không gian thông thoáng, du khách có thể đứng ngắm mây trời lồng lộng và nghe những âm thanh là lạ được tạo ra từ tiếng gió. Nơi đây cây trái um tùm, được bao bọc bởi vách núi lô nhô. Men theo chiếc cầu cây đi về phía tây thung lũng, du khách sẽ gặp một động nước với chiều cao hơn 20m, cảnh vật kỳ ảo dưới ánh sáng vàng vọt len lỏi vào những khe nứt trên vách. Đây được xem là hang động độc đáo, đồ sộ nhất với chiều sâu hun hút, luôn có tiếng gió rít vào khe núi. Những luồng hơi nước tuôn ra từ những mạch nước ngầm tạo cảm giác lành lạnh và ẩm ướt càng làm tăng thêm sự kỳ bí của hang.

Moso là điểm kết nối du lịch của nhiều thắng cảnh Kiên Giang như Hòn Chông, Hòn Phụ Tử, Hà Tiên. Người ta ví quần thể hang động núi Moso như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Đến với Moso, du khách sẽ được thưởng ngoạn một “tiên cảnh” huyền ảo và trải lòng mình với thiên nhiên kỳ thú. Sự huyền bí và thơ mộng nơi đây không chỉ để lại nhiều cảm xúc lưu luyến khó quên cho khách phương xa mỗi khi ghé thăm mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn cho những ai thích khám phá.

Sưu tầm

Cù Lao Ông Hổ An Giang



Cù lao Ông Hổ, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên (An Giang), quê hương của Bác Tôn. Trên cù lao có khu lưu niệm và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Đề xây dựng, với lối kiến trúc hình chữ Quốc, sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12 m, dài 13 m, rộng hơn 150 m2.

Năm 1984, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận đây là Di tích Lịch sử Quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhân dân tỉnh An Giang đã tiến hành làm lễ khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm Bác Tôn, được xây dựng trong khuôn viên 1.600 m2 với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân. Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn - nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác - đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành...

Khu lưu niệm và đền thờ Bác Tôn tọa lạc ở vị trí cao ráo, vượt đỉnh lũ năm 2000 hơn 0,4 m, gió sông Hậu mát rượi suốt ngày đêm. Từ năm 1998 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 lượt khách đến thăm viếng nơi đây. Đây cũng là địa điểm các cơ quan, đoàn thể tỉnh An Giang đến làm lễ dâng hương, báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên... Khu lưu niệm đang trở thành nơi khách thập phương nô nức tới thăm viếng. Nhà bảo tàng với nhiều hiện vật quý từ chiếc xe đạp Bác Tôn sử dụng như một hình thức rèn luyện thân thể đến mô hình máy bay từng chở Bác về thăm quê nhà.

Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề - thân sinh Bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.
Cù lao Ông Hổ (An Giang) - Điểm du lịch về nguồn

Cù lao Ông Hổ (An Giang) - Điểm du lịch về nguồn


Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam bộ:

Dù ai xuôi ngược bốn bề

Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.

Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.

Website báo Hậu Giang

Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu - Di chỉ Óc Eo ở Cần Thơ



Từ Lộ Vòng Cung qua sông Cần Thơ, ở chỗ bến phà Rạch Sung, thuộc huyện Phong Điền, du khách sẽ đến xã Nhơn Nghĩa. Từ đây có đường tẽ về rạch Mương Khai, nơi có Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu, là một di chỉ, thắng cảnh đẹp.

Xuyên qua những vườn dâu, sầu riêng, măng cụt xum xuê, trĩu quả dọc theo những con rạch nhỏ, dài, bàng bạc nước phù sa, qua nhiều cây cầu gỗ, xi măng thô sơ, trên con đường vắng vẻ còn nét hoang sơ, bạn sẽ đến một khu vườn rộng rãi, thoáng mát có rất nhiều cây cảnh, cây ăn quả và những ao, chuôm với rất nhiều bông sen, bông súng, bèo dại cùng tràm, bạch đàn, cát đằng, đan xen trong một tổng thể hài hòa với những ngôi nhà thủy tạ, nghỉ mát có kiến trúc nhẹ, đẹp mắt.
Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu - Di chỉ Óc Eo ở Cần Thơ

Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu - Di chỉ Óc Eo ở Cần Thơ


Di chỉ Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu được phát hiện cách đây vài mươi năm do sự tình cờ. Khi đào mương, lên liếp trồng cây, mò cua, bắt cá... trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên, con người đã nhặt được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng thuộc niên đại văn hóa Óc Eo. Vào những năm 1990, Viện Khảo cổ Trung ương đã có cử đoàn khảo sát đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền để tiến hành thăm dò, khai quật.

Qua những kết quả của khảo cổ học và những tư liệu, thư tịch cổ, người ta đã đủ cơ sở khẳng định rằng, trước người Chân Lạp (Khmer) đã từng có một sắc dân với nền văn minh, văn hóa Hindu gốc Nam Á xuất hiện, sinh sống, định cư, và mất đi trên bản đồ lưu vực sông Mekong một thời gian khá lâu.

Lung Cột Cầu - Bưng Đá Nổi theo lời kể lại của dân gian, xưa kia là một vùng đầm lầy hoang dại. Người ta đã gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2, 3 m dưới lớp phù sa thực vật. Người ta cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công, “nổi” lên trong cái ao của khu di tích hiện nay. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng, cùng với những xương thú lớn đã hóa thạch, những chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh. Nguyên nhân nào mà nền văn minh Óc Eo rực rỡ, có một địa bàn rất rộng khắp Đông và Tây Nam bộ bị suy tàn, mất dấu vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu hiện nay là một điểm tham quan du lịch văn hóa và sinh thái. Vào các dịp lễ hội lớn nơi đây thường tổ chức các loại hình sinh hoạt nghệ thuật khá hoành tráng. Do cảnh quan thơ mộng, trữ tình, nơi đây thường có các đoàn nghệ thuật đến quay phim, dựng cảnh.

Website báo Hậu Giang

Kẹo dừa - Đặc sản Bến Tre



Bến Tre nước ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo (lại) vừa ngoan.

Kẹo dừa Bến Tre vừa là một đặc sản ẩm thực, vừa là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ sở. Đất nước ta có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa. Các nghệ nhân ẩm thực Bến Tre đã không ngừng kế thừa nghệ thuật làm kẹo dân gian này để nâng lên thành một ngành hàng chủ lực đem lại lợi ích kinh tế và quảng bá văn hóa ẩm thực Bến Tre trong và ngoài nước.

Ngày xưa người Bến Tre làm kẹo dừa để ăn trong gia đình hay để biếu bè bạn, người thân trong những dịp lễ tết. Sau đó, nghệ thuật làm kẹo dừa đã không ngừng được cải tiến và đã trở thành một sản phẩm truyền thống đặc biệt của Bến Tre.
Kẹo dừa - Đặc sản Bến Tre

Kẹo dừa - Đặc sản Bến Tre


Kẹo dừa Bến Tre có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày. Theo các tư liệu sưu tầm được thì người đầu tiên làm ra kẹo là bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1914, cư ngụ tại khu phố 1, thị trấn Mỏ Cày. Nguyên liệu làm kẹo dừa gồm: nước cốt dừa, mạch nha, đường (trước kia người ta dùng đường thùng nhưng ngày nay dùng đường cát). Mạch nha được chắt lọc từ chất đường của hạt nếp khi được ủ cho lên mầm.

Muốn làm kẹo ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều. Để nẩy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha. Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện. Dừa khô lựa trái “rám vàng” mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo phải chọn loại đường mới, có màu vàng tươi.

Xưa kia người ta cho tất cả nguyên liệu vào bể chứa trộn đều sau đó đun sôi rồi cho vào thạp ủ (chiều làm kẹo, sáng nấu bột). Trong sản xuất đại trà hiện nay, sau khi pha chế nguyên liệu xong người ta cho vào chảo, đun sôi, sử dụng máy quay được lắp sẵn trên chảo và quay cho đến khi nào kẹo “tới” thì đổ ra mâm đã bôi dầu dừa để chống dính. Tiếp theo, dùng vải nhựa có bôi dầu dừa để ép kẹo vào khuôn, chờ nguội rồi cắt thành viên, sau đó gói từng viên kẹo riêng rồi cho vào bao bì tùy trọng lượng đặt hàng.

Ngày nay, người Bến Tre đã cải tiến làm thêm nhiều loại kẹo dừa có kết hợp với các nguyên liệu khác làm cho kẹo dừa Bến Tre ngày càng phong phú. Người ta đã cho thêm hương vị sầu riêng, đậu phộng và thậm chí cả ca cao vào kẹo. Đây là hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực rất sáng tạo để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng, để có thể mở rộng thị trường. Du khách đến Bến Tre thường mua kẹo về làm quà cho gia đình, người thân, bè bạn. Có thể nói kẹo dừa khá gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở Bến Tre.

Hiện tại Bến Tre có 151 cơ sở sản xuất kẹo dừa, gồm 15 công ty, 9 doanh nghiệp tư nhân, số còn lại là hộ cá thể, có khả năng sản xuất trên 30.000 tấn/năm. Cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu trên địa bàn thị xã Bến Tre, huyện Mỏ Cày và Châu Thành, giải quyết việc làm cho trên một vạn lao động nghèo với thu nhập từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Kẹo dừa - Đặc sản Bến Tre

Kẹo dừa - Đặc sản Bến Tre


Từ nguồn nguyên liệu dừa rất phong phú của Bến Tre, cộng thêm tài khéo léo của người chế biến, người xứ dừa đã biết tăng thêm giá trị văn hóa, giá trị của lao động thủ công truyền thống vào sản phẩm để làm cho trái dừa không chỉ là nguồn nguyên liệu thô mà nó đã được nâng giá trị lên nhiều lần. Ở đây yếu tố văn hóa trong sản phẩm thủ công đã làm nên giá trị kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân xứ dừa. Mặt khác, chính nhờ có sự phát triển kinh tế như vậy mà nghệ thuật thủ công truyền thống lại được trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát triển.

Điều đáng mừng là các lò kẹo thủ công truyền thống danh tiếng như Bến Tre, Yến Hương, Thanh Long, Thiên Long, Tuyết Mai... đã không ngần ngại đầu tư bạc tỷ để đổi mới công nghệ sản xuất kẹo truyền thống, tạo nên nhiều mẫu mã, kiểu dáng ngày càng hấp dẫn khách hàng. Theo truyền thống sản xuất xưa nay các cơ sở sản xuất kẹo dừa luôn xem trọng chất lượng, chữ tín, không sử dụng chất bảo quản, đường hóa học và các chất cấm khác nhằm khẳng định thương hiệu của mình. Nhờ vậy kẹo dừa Bến Tre đã có mặt ở các thị trường trong cả nước và còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Một sự kiện như biểu hiện sự thành công lớn của ngành kẹo dừa Bến Tre trong năm 2002 là cùng một lúc bà Phạm Thị Tỏ - Giám đốc Công ty TNHH Đông Á đã nhận được 4 giải thưởng lớn tại Hội chợ triễn lãm hàng tiêu dùng được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2002. Trong 4 giải thưởng ấy, điều đáng nói là viên kẹo dừa Bến Tre lần đầu tiên được xếp vào danh mục các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. Giải thưởng ấy như là sự xác lập chỗ đứng, khẳng định về chất lượng của viên kẹo dừa Bến Tre trên thương trường trong, ngoài nước. Ngoài ra kẹo dừa hiệu Thiên Long cũng được nhận cúp vàng Thương hiệu vì sức khỏe cộng đồng do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế tặng tại hội chợ thành phố Cần Thơ Xuân Đinh Hợi 2007.

Nghề sản xuất kẹo ở Bến Tre cần được tiếp tục cải tiến về công nghệ, mẫu mã cũng như việc kết hợp với các nguyên phụ liệu khác, qua đó sẽ từng bước nâng dần chất lượng, cả về hình thức để kẹo dừa mãi mãi là niềm tự hào của người Bến Tre.

Sưu tầm

Bến Quê Miền Tây Nam Bộ


Sông quê nước chảy đôi bờ
Để anh chín dại mười khờ thương em...
Trên mỗi dòng sông dù bên lở hay bên bồi đều đầy ấp những kỷ niệm và luôn chảy tràn trong ký ức của mỗi người chúng ta...
Không biết tự bao giờ người miền Tây khi sinh ra đã thấy dòng sông lượn quanh trước cửa. Những dòng sông con rạch cứ nối tiếp nhau chở phù sa vun đắp cho ruộng vườn, ôm ấp xóm làng như vòng tay mẹ thân thương.

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ


Rồi ven từng dòng sông, con rạch ấy cho mỗi ngôi nhà quê có một bến sông để ra đó mỗi ngày...

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ




Dòng sông, bến nước, con đò đã chứng kiến biết bao chuyện buồn vui, nhọc nhằn, lam lũ ở thôn quê...

Những giỏ trái cây vườn nhà nặng quằn nơi vai chú, vai cha mang xuống bến cho kịp chuyến chợ sớm, chợ chiều...

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ


Dòng sông cũng đong đầy con nước lớn cho mấy dì, mấy chị giặt áo, gội đầu giữa trưa hè oi ả...
Bến quê Miền Tây Nam Bộ

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ


Bến sông quê cho mẹ múc từng thùng nước đổ vào khạp rồi lóng phèn, lóng luôn hạt phù sa khi mùa nước nổi tràn về...

Bến quê Miền Tây Nam Bộ


Mùa nước về kéo theo từng đám lục bình nhấp nhô rồi xô dạt cho đôi bờ xanh ngát...

Bến quê Miền Tây Nam Bộ

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Nước cứ lững lờ trôi để hoa bần rụng trắng bến sông quê. Những trái bần ổi đong đưa cho tuổi thơ bồng bềnh trên chiếc xuồng con hái trái. Cái vị chua nơi đầu lưỡi bây giờ sẽ chìm vào miền ký ức khi đã lớn khôn.
Bến quê Miền Tây Nam Bộ

Bến quê Miền Tây Nam Bộ


Bến sông quê cho tuổi thơ ngụp lặn, lao vào dòng nước xanh mát, khấy động cả một khúc sông chiều. Để rồi mai đây khi ngoãnh lại, bến sông quê sao mà thân thương quá đổi. Để thấy trong sự lớn lên của mình có vị ngọt phù sa...

Bến sông quê cũng chứa chan bao điều thầm kín của biết bao đôi trai gái ở miền quê này...

Bến quê Miền Tây Nam Bộ
Bến quê Miền Tây Nam Bộ



Những câu chuyện tình đẹp hay man mác buồn trên mỗi dòng sông, bến nước đều để lại những hình ảnh thân thương mà mỗi lần bắt gặp một dòng sông ký ức ngày xa cứ cuồn cuộn chảy về...

Nhà thơ Trần Quang Hiển dường như cũng có một nỗi niềm như thế!
Tôi về tắm mát sông quê,
Bến xưa thuyền đậu lời thề nơi đâu.
Sông sâu ai đã bắc cầu,
Em về bên ấy làm dâu nhà người.

Sông trong, trong cả nụ cười,
Cho tôi mang suốt một thời chiến tranh.
Bây giờ mây nước trong xanh,
Làng quê xóm cũ vắng tanh chợ chiều.

Sông ơi! chảy giữa bao điều,
Trôi đi năm tháng xoá nhiều thương đau.
Ngàn đời nước chảy sông sâu,
Tôi về bến cũ tìm đâu bóng người.

Bến quê Miền Tây Nam Bộ




Có bến sông buồn - khi cách trở tình riêng! Có bến sông vui - khi chờ mẹ đi chợ về. Rồi cũng có bến sông gần, có bến sông xa... Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, có nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng và có số phận riêng của nó...

Nhưng dù thế nào đi nữa, bến sông quê luôn cho ta tìm thấy sự dịu mát, trong lành, yên ả. Bởi dòng sông vẫn chảy, vẫn chứa đầy những kỷ niệm đẹp của mỗi người sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông quê gần gũi, yêu thương và gắn bó...

Sưu tầm

Ba Khía Đặc Sản Rừng Ngập Mặn



Trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng rừng ngập mặn, phải kể đến con ba khía.
Ba khía trông gần giống cua đồng, đúng hơn là giống con nha với hai càng đỏ nâu, phần dưới của tám cái ngoe lấm tấm lông tơ mịn, mai màu nâu sẫm có ba vạch - có lẽ vì vậy nên thành tên "ba khía" chăng?. Ba khía thường quần tụ nơi gốc cây mắm, đước để ăn trái mắm rụng.
Ba khía đặc sản rừng ngập mặn

Ba khía đặc sản rừng ngập mặn


Người địa phương có kinh nghiệm cho rằng ba khía gạch son, thịt chắc là do ăn trái mắm đen, còn ăn trái mắm trắng thì gạch màu tro không ngon bằng.

Mùa bắt ba khía vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Việc này rất vất vả vì phải lặn lội vào rừng ban đêm, thường là người nghèo làm vì sinh kế. Họ chuẩn bị gạo, nước, khạp... xuống xuồng chèo chống, neo đậu ở bìa rừng đợi đêm xuống. Vùng rừng ngập mặn Rạch Gốc - Cà Mau có lẽ là quê hương của ba khía. Tập tính của chúng là đào hang ở những vạt rừng khô ráo rồi kéo đàn kiếm ăn. Hàng năm đến mùa, thường vào tháng mùa mưa, trời không trăng, người người từ các tỉnh lận cận đổ về tham gia bắt ba khía với qui mô lớn. Theo những người lớn tuổi kể lại thì ngày trước ở vành đai ruộng rừng xã Gia Thuận, Tân Phước (huyện Gò Công Đông-Tiền Giang) cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của ba khía. Ban đêm ở rừng "muỗi kêu như sáo thổi" mà gặp lúc trời mưa rỉ rả thì càng cực gấp bội. Trang bị quần áo dày, khăn che mặt, bao tay, giỏ tre, đuốc... coi như đủ lệ bộ.
Ba khía đặc sản rừng ngập mặn

Ba khía đặc sản rừng ngập mặn


Thường đi có đôi có bạn đỡ đần nhau, người này xua muỗi, soi đuốc cho người kia bắt. Phải nhanh tay lẹ chân, bằng không chúng sẽ tọt mất xuống hang. Gặp đêm ba khía rộ thì cắm cán đuốc xuống bùn để bắt cho nhiều. Điều không giải thích được là vào trung tuần tháng 10 âm lịch hàng năm là thời điểm ba khía "hội", giống trường hợp dòng họ nhà còng lột vỏ đồng loạt vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ba khía chẳng biết từ đâu tập hợp về nhiều vô số kể. Chúng lúc nhúc từng chùm đen kịt đeo bám trên các rễ cây đước, cành mắm hai bên bờ rạch không chừa khoảng trống nào!. Người ta không có thời giờ bắt từng con mà quơ hốt từng bụm tay. Hiện tượng này xuất hiện khoảng 3 ngày rồi đạo quân ba khía tự tan đàn, tản mác và chờ "hội" năm sau đến hẹn lại lên. Bắt ba khía tuy cực nhiều nhưng rất vui và đầy hứng thú...

Ba khía rửa sạch trước khi muối theo tỉ lệ nhất định, không được nhạt và không quá mặn. Muối độ một tuần, ba khía ăn được mà vẫn giữ màu sắc như lúc còn sống là đạt chất lượng. Những con ba khía vỏ mỏng, càng đỏ, nặng chắc, yếm đầy trứng mới thật ngon. Ăn ba khía kiểu "dã chiến" thì tách mai, xé từng ngoe trộn với nước cốt chanh, tỏi, ớt, đường và không dùng lẫn với các món khác , vì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của đặc sản này. Gỡ gạch son, gạch tro trong mai ra, ăn nhẩn nha để thưởng thức vị ngọt thơm. Ở quê, đang bụng đói mà có độ mươi con ba khía ăn với cơm nguội, dưa leo, ớt hiểm thì ngon mê tơi, đúng với câu "ăn cơm mắm thấm về lâu" !.

Muốn ăn "gỏi" thì chọn ba khía loại to, rửa sơ bằng nước ấm, tách bỏ mai, yếm, móng đầu ngoe, xé miếng nhỏ, đập dập càng... cho vào tô trộn đều với gia vị gồm chút rượu trắng, đường, tỏi, ớt, sả bằm nhuyễn, nêm nếm vừa miệng. Đậy kỹ, để gia vị ngấm đều (hôm trước trộn, hôm sau ăn là ngon). Đu đủ chín hườm xắt lát mỏng hoặc bào sợi rồi trộn đều với ba khía, rau răm, thêm chút nước chanh. Ăn với cơm nóng hay bún tùy sở thích. Sau đó nên uống trà chanh tráng miệng, vừa khử mùi vừa dễ tiêu hóa. Những người đã một lần ăn ba khía thì khó mà quên được hương vị khó tả này. Con ba khía bây giờ ngày càng hiếm, e rằng đến lúc nào đó không còn nữa thì thật buồn tiếc cho những ai đã từng nếm qua món đặc sản này, tuy bình dân mà thấm đậm hương quê...

Sưu tầm

Tâm Tình Con Gái Miền Tây Qua Thi Ca



Người xứ khác chưa tới miền Tây Nam bộ lần nào, đều mường tượng vùng này chắc chỉ toàn ruộng lúa..."cò bay thẳng cánh". Thực ra không phải vậy, có những vùng đất cao ráo như vùng Cái Bè, An Hửu...người ta lên mương làm vườn trồng cây ăn trái, vùng đất cồn như Bến Tre cũng vậy; đây là vùng đất giồng.

Con gái đất giồng trắng trẻo, nhưng sống có phần khép kín, vì vùng làm vườn nhà cửa xóm giềng cách nhau một đổi, chứ không sát nhau như chốn phố phường.

Cây oằn là bởi trái sai
Thiếp buồn là bởi vì ai nói lời
Nói lời mà bỡn thiếp chơi
Làm thiếp tưởng thật nói lời nghiệt cay...

Trăm năm dù có sau này
Tính thiếp vẫn thế khó thay, ơi chàng
Tính trời thời thiếp đã mang:
Thiếp ghét thói xấu chẳng màng lợi danh

Mai sau dù có không thành
Chàng đừng quên thiếp, sao đành chàng ơi
Giấy nay chữ đã viết rồi
Thời gian như cánh chim trời lướt bay
Rượu đào chẳng nhấp mà cay
Bùa yêu chẳng uống mà say suốt đời

Vùng làm ruộng trong Đồng Tháp Mười, như mấy huyện mới thành lập của Tiền Giang thì tôi chưa có dịp vô. Chứ trước đây độ 20 năm, vào Mỹ An, huyện Tháp Mười hay về Tân Hiệp, Kiên Giang mới thấy vùng đất chuyên làm ruộng. Ở đây cứ cách 1 cây số là 1 con kinh xẻ trên đồng như bàn cờ, nhà cất day mặt ra kinh, sau nhà là ruộng kéo dài đụng bờ kinh bên kia.

Bên hông hay trước nhà, cặp theo bờ kinh thường có lảnh rau thơm, cho nên cô gái ngồi lặt rau mới thấy anh chàng xóm khác đang rảo qua mà hổng dám...vô nhà

Thò tay bứt ngọn rau ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ...!

Dân xứ ruộng vì cùng làm trên một cánh đồng, nên nam nữ quen mặt nhau hết. Mà hồi trước đâu có máy gặt máy phóng như bây giờ, cắt lúa xong cộ lên gò rồi cho trâu đạp, phụ nữ xóc rơm vê lúa rần rần sáng đêm. Cho nên các cô muốn lấy chồng gần gần thôi, sợ cảnh nhớ nhà...

Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Trông về quê mẹ chín chiều ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Muốn chồng em thấy ruột đau chín chiều...
nên than với mẹ rằng
Má ơi đừng gã con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu...

Ý là hổng muốn về làm dâu trên miền Đông, vùng Biên Hòa - Bình Dương, vì chỉ trên đó mới có chim có vượn, chớ vùng đồng bằng đào đâu ra?
Tâm tình con gái miền tây qua thi ca

Tâm tình con gái miền tây qua thi ca



Nhưng bà má cũng tâm lý lắm, đáp lại rằng:
Má không muốn gã con gần
Con qua xúc gạo ngày mấy lần...chết sao !

Đây là nói dân trong đồng thôi nghen, hồi trước dân miệt đồng thiệt thà lắm! Con trai cũng khờ, muốn "cua" em mà cũng hổng dám nói thẳng, phải khen...vòng vòng

Tâm tình con gái miền tây qua thi ca
Trời xanh bông trắng nhụy hùynh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương...
Nhưng gái đồng bản tánh chân chất, bộc bạch:
Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều.

Đọ...! Gái miền Tây gốc là phải vậy. Nhưng chỉ cần cách một bờ kinh, tình hình sẻ khác.

Ai từng về vùng Kinh Xáng Vịnh Tre, sẻ thấy bên kia kinh là đồng nhưng bên này là xóm chợ. Vì con đường độc đạo chạy ra lộ cái để về Long Xuyên hay lên Châu Đốc, chạy cặp theo mé kinh, nên nhà cửa nằm san sát từ cầu kinh 1 vô riết tới cầu kinh 15, 16...Con gái miền Tây mà sống gần phố chợ thì cũng chanh chua, chanh hỏi... lắm! Anh nào lớ ngớ mở lời chọc ghẹo là nghe hăm mái dầm, dao phai...nghe phát ớn luôn :)
Gặp phải tay "thí mạng cùi" thì đâu có sợ...
Dao phai kề cổ, máu đổ không màng
Chết thì chịu chết, chớ buông nàng anh hổng buông...!
Mấy cô này mà gặp trai miền Đông còn bạo gan hơn nữa kìa
Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái "quyệt" biểu ưng cho rồi...

Hehe...Trai miền Đông muốn cưới vợ miền Tây mà nói vầy, hụt là cái chắc...! Cũng phải thôi, về vùng quê bây giờ đâu còn cảnh

Sáng trăng soi đống thóc vàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ...
Mà chỉ thấy
Sáng trăng chiếu trãi hai hàng
Bên anh "xập xám" bên nàng "tiến lên"...hihihi...

Bài này khoan đề cặp đến con gái miệt biển, vùng ngập mặn có phong cách sống khác nên phải nói riêng mới hợp, mà con gái vùng này ăn nói chát lè giống như đặc sản "ba khía muối" của họ vậy đó. Nói vầy mà cô bạn NNT nghe được, thế nào cũng cằn nhằn cử nhữ...nhưng khoan, để nói rồi biết hổng phải vậy, bây giờ rừng đước rừng tràm bị co cụm lại nhường đất làm vuông tôm hết rồi. Con gái miệt biển giờ ra chợ làm thị dân hay học lên cao làm...'trí ngủ", nên cũng...dịu dàng hơn xưa rồi.

Nói chung, con gái miền Tây, dù ở vùng nào cũng đều biết bơi và biết...chèo xuồng. Không biết bơi xuồng là chịu chôn chân một chổ, vì ở miền Tây, cái xuồng cũng giống như cái xe đạp, xe honda của dân thành thị vậy đó. Bơi xuồng đi chợ hay bẻ bông điên điển cũng đều có nét duyên dáng như nhau...

Sưu Tầm

Bến Tre - Đẹp Lắm Quê Hương Đồng Khởi


Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 60km. Phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh. Thị xã Bến Tre cách Tp. Hồ Chí Minh 85km.
Cây dừa - Đặc sản của Bến Tre

Cây dừa - Đặc sản của Bến Tre


Địa hình ở đây bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao bọc rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi.

Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26ºC - 27ºC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500mm.
Cầu rach Miễu nối liền Bến Tre - Tiền Giang

Cầu rach Miễu nối liền Bến Tre - Tiền Giang


Bến Tre hình thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa do 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên chia cắt. Là tỉnh có nhiều sông, rạch, Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch xanh, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Bến Tre là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sản vật và hoa quả: lúa, ngô, khoai, dứa, chôm chôm, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng. Bến Tre giàu thủy sản với các loại: cá thiểu, cá mối, cá cơm. Cây công nghiệp có dừa, thuốc lá, mía, bông. Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần 40.000 ha trồng dừa), nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn hàng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.

Sưu tầm.

Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

"Mùa đìa" là gì? Nhiều bạn bè đã hỏi tôi như thế! Chẳng biết giải thích thế nào cho cặn kẻ… Ngỡ là một từ quen thuộc, vì với tôi sinh ra trên vùng đất của Bác Ba Phi và chụp đìa lại xuất phát từ đất này. Ngẫm lại, bạn bè có người biết, người không cũng là lẽ thường tình. Vì vậy tôi post bài này lên đây nhằm chia sẻ với bạn bè về một nghề có nét đặc thù ở quê tôi. Bài viết này là một kịch bản phim, nằm trong series phim của Chương trình Ký ức miền Tây mà chúng tôi đang thực hiện….
Chụp đìa nét đẹp miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Bán đảo Cà Mau là một vùng đất nổi tiếng trù phú với chim trời, cá nước. Bởi lẽ, vùng đất đã sản sinh rất nhiều sản vật, đồng thời đây là vùng đất khai mở muộn màng nên điều kiện tự nhiên thích nghi đối với các loài tôm cá…

Hơn 300 năm trước, lưu dân tứ xứ đến vùng bán đảo Cà Mau lập nghiệp là những người rất nghèo khổ. Trong tay chỉ có tấm lưới, mấy ống trúm, lọp lờ hay vài ngọn cần câu. Vậy rồi, nguồn lợi tự nhiên ở đây hào phóng đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp nên nhà nên cửa…

Trong ký ức của nhiều người hẳn còn nhớ những địa danh từng có một thời nổi tiếng cá đồng như U Minh, Tân Duyệt, Bàu Hang, Thanh Tùng…

Bây giờ đang bước vào mùa khô và chắc nhiều người không quên mùa đìa ở miệt Cà Mau…
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây


Thuở xa xưa, nghề đìa cá hầu như làng xóm nào cũng có, gia đình nào cũng có. Vì thế mà nghề đìa cá hoạt động phong phú như một thứ văn hóa. Nó có cả những kinh nghiệm bí truyền bởi không phải đào đìa ở đâu cá cũng rút về vào mùa nắng hạn.

Đìa là một cái ao được người chủ đất chọn vị trí trong khu bao ngạn trên phần đất của mình. Độ sâu của đìa từ 2 đến 3 mét, ngang từ 5 đến 7 mét và dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ, có đìa dài hơn 50 mét.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

Thu hoạch cá đìa có nhiều cách như: tát, kéo lưới, mò cá.v.v… nhưng chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất. Theo vài tài liệu nghiên cứu gần đây, thì chụp đìa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và ra đời ngay tại vùng đất của Bác Ba Phi.

Chuyện kể rằng : Hồi trước quê Bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác. Cá nhiều, đìa lại lớn, công tát mất mấy ngày trời đìa mới cạn. Mấy năm đầu, Bác Ba phải đươn lưới vải đề lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại – hàng xóm của Bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đở tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Và, không bao lâu sau, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…

Giàn lưới chụp đìa là một tấm lưới ni – lông, mắt lưới nhỏ và tấm lưới ấy luôn dài hơn và rộng hơn khẩu đìa.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Sau khi dọn sạch cỏ mặt nước trong đìa, người ta thả cuộn lưới ấy giữa lòng đìa và hai người ở dưới nước căn viền lưới ra hai bên thành đìa. Dùng ghim bằng một khúc cây sậy dài chừng 4 tấc, bẻ gập đôi lại và ghim viền lười vào thành đìa, ngập dưới mặt nước chừng 2 tấc và khoảng cách chừng 6 tất một cây ghim.

Sau khi ghim toàn bộ viền lưới vào thành đìa xong, tức là toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Khi cá thấy ngộp và sẽ nem vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên.

Đợi chừng hơn 1 giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi mới kéo lưới gom cá về một đầu đìa để bắt
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp đìa như thế, tất cả cá bắt được đều rất khoẻ mạnh. Nước dưới đìa còn nguyên vẹn và người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau. 

Ngày trước khi cá còn rất nhiều, có những khẩu đìa thu hoạch hơn cả chục tấn cá, nên khi kéo lưới đến hơn nửa chiều dài của đìa là phải xúc cá. Vì vậy người ta neo lưới lại để cho nhân công làm cá trong vài ngày; chứ tát đìa thì không thể làm được điều này.

Hồi ấy, thương lái mua cá đồng không nhiều trong khi lượng cá ở xứ này lại quá lớn, nên cá phải làm khô, làm mắn để bán từ từ… Lúc đó xóm làng như mở hội, người ta vạn vần đổi công để bắt cá làm mắm, làm khô.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Ở Bán đảo Cà Mau nổi tiếng hơn cả là khô cá bổi (có nơi gọi là cá sặc rằn). Loài cá này chỉ có làm khô là ngon nhất, so với cách chế biến khác. Vã lại, cá bổi chiếm hơn một nửa trong tổng sản lượng cá chụp được trong một khẩu đìa nên chỉ còn cách làm khô. 

Cá bổi chỉ cần đánh vãy, vạc xéo hai mang cá, móc ruột, đem rữa sạch, muối vào khạp qua đêm và sáng hôm sau rữa lại, rồi đem phơi. Chỉ khoảng hai ngày nắng tốt là cá đã khô.

Người Cà Mau có một cách bảo quản cá khô bổi rất độc đáo là đem khô trải đều trên bồ lúa, sau đó đổ lúa lên khỏa bằng. Hai tháng sau đem khô ra nướng nhậu với rượu đế là tuyệt vời. Thứ khô này chỉ có khách quý mới mang ra đãi.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chính nguồn lợi cá đồng đã thổi hồn cuộc sống phong phú lên đồng ruộng hoang vu. Những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực đến đây khẩn hoang bắt gặp được một vùng đất có rất nhiều sản vật, cộng với sự sáng tạo của mình đã làm nên một cuộc đổi đời, một nếp sống, nếp sinh hoạt đặc biệt của làng quê. 

Bây giờ, đồng đất nơi đâu cũng làm lúa tăng vụ, con cá đồng không thể sống trong môi trường quá nhiều hoá chất. Nghề đìa cá ở miệt bán đảo Cà Mau cũng đã và đang lụi tàn dần.

Quả thật, bây giờ chụp đìa còn rất ít và không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là chuyện kể mà thôi. Đối với những ai từng biết về vùng bán đảo Cà Mau, biết về sự giàu có sản vật đến nức tiếng cả nước của đất đai này, hy vọng sẽ gợi lại một chút hoài niệm, một chút nhớ thương, một chút tự hào về xứ sở ngay từ trong ký ức của mình...

Sưu tầm

Làng Hoa Kiểng Sa Đéc



Nói đến hoa và cây kiểng, người ta không thể không nghĩ đến địa danh Sa Đéc Hơn một trăm năm qua, Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống.

Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh miền Trung, thị trường Campuchia và đang hướng đến những thị trườngxuất khẩu khác

Có dịp về thăm Đồng Tháp, bạn nhớ đến thăm làng hoa kiểng Sa Đéc- một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nằm trên địa phận xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, trước đây rộng khoảng 60 ha, với 600-3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh. Trong mấy năm gần đây, diện tích trồng hoa kiểng ở Sa Đéc ngày tăng nhanh, hiện nay đã lên đến 177 ha, sản lượng trên 10 triệu chậu các loại, bình bình quân mỗi năm tăng 10 ha.
Làng Hoa Kiểng Sa Đéc
Làng Hoa Kiểng Sa Đéc
Vào làng quê hiền hoà Tân Quy Đông, vào bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có cảm giác như lạc vào thế giới của màu sắc và hương thơm kỳ ảo. Thược dược; tú cầu; lan; cau bình rượu; mai chiếu thủy; tùng Nhật; vạn thọ Pháp; hoa dâm bụt vàng, đỏ, tím; ớt kiểng; mãn đình hồng; cúc kim… có mặt khắp nơi, đua nhau khoe hương, khoe sắc. Nhưng nhiều nhất về số lượng, chủng loại ở đây chính là hoa hồng. Dường như các nàng hồng kiêu sa, lộng lẫy nhất đều đã tụ hội về đây. Làng hoa hiện nay còn lưu giữ được trên 50 giống hoa hồng : hồng nhung đỏ thắm, hồng Grada tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Korokit màu gạch tôm nhạt, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt hồng, hồng Comfidence màu vàng hột gà, hồng Maccasa màu cam…

Không những vậy, làng hoa Tân Quy Đông bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi thế cây, dáng đứng đều thắm đượm nền văn hoá và triết học phương Đông. Có những loại cây rất bình dị, gần gũi với đời sống hằng ngày như khế, cau, bùm sum, si, mai… qua bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp,lạ.

Ngôi làng có 4 mùa xuân này với mô hình trồng hoa, cây kiểng tập trung từ lâu đã thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan cũng như mang lại lợi nhuận và góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống cho bà con Sa Đéc. 1 ha hoa kiểng ở đây có thể mang lại cho nguời trồng hoa thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Phát huy tiếng tăm và truyền thống vốn có, làng hoa kiểng Sa Đéc đang tiếp tục đưa thương hiệu hoa Sa Đéc vươn cao, vươn xa hơn nữa, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không thể bỏ khi đến với tỉnh Đồng Tháp sen hồng.

Đến với làng hoa kiểng Sa Đéc, bạn được đắm mình trong thế giới của muôn hoa với vô vàn hương thơm thanh cao, quyến rũ, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, chỉ còn lại cảm giác thanh thản yên bình.

Sưu tầm

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Đón Mùa Cá Chạch




Mùa cá chạch đã sắp bắt đầu tại thành phố Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Cào chạch có thể xem là một thú vui và thú vui này càng hấp dẫn hơn với những món chế biến từ chạch!

Khi những hàng so đũa bên bờ sông trổ bông và mực nước sông Ô Môn bắt đầu giựt (cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch) là ở quê tôi (Ô Môn, Cần Thơ) lại bắt đầu mùa cào chạch. Từ sáng sớm hoặc xế chiều (theo con nước ròng), từng đoàn người chống xuồng tam bản đi cào chạch trải dài theo mé sông. Dụng cụ đánh bắt của họ rất đơn giản: một bàn cào (đây là cây sào dài bằng tầm vông khoảng 3 – 4m), đầu được gắn một thanh sắt ngang, phía dưới hàn những mũi chĩa nhọn (tương tự như bàn cào cỏ), một cây kềm, một cây giũa (dụng cụ mang theo để sửa chữa bàn cào khi gặp vật cứng làm cong hay làm tà mũi chĩa).
Đón Mùa Cá Chạch
Cá Chạch
Tuỳ theo địa điểm săn bắt (bãi lài hay hẩm), người đánh bắt ngồi trên xuồng hay ngâm mình dưới nước. Với những động tác nhanh nhẹn, người đánh bắt chỉ cần đưa bàn cào ra xa tầm tay với, đợi cho tới khi bàn cào chạm mặt bùn, rồi từ từ kéo cào vào trong bờ. Đặc điểm của lũ chạch là trú ẩn dưới bùn non, đầu ngoi lên mặt bùn để ăn phiêu sinh vật. Khi chạm phải mũi chĩa nhọn, chúng cố vùng vẫy thoát thân. Vì thế, người cào khi thấy sào bị rung nhẹ thì chỉ việc kéo cào nhanh lên mặt nước, rê bàn cào vào mép xuồng gỡ cá ra, và… cứ như thế cào tiếp…
Cá chạch nướng tre
Cá chạch nướng tre

Những chú chạch tươi roi rói màu vàng nhạt. Ở những nơi nhiều chạch, một bàn cào có thể dính từ hai đến ba con. Một người cần mẫn trong một con nước có thể kiếm được từ 1 – 2 kg chạch dễ như chơi!

Thịt chạch ngọt, béo giàu chất dinh dưỡng. Theo Tây y, cứ 100g chạch có 16g chất đạm, có đến 17 axit amin, đặc biệt có đủ cả 8 axit amin tối cần thiết, 3,2g chất đường, 2g chất béo, và các vitamin khác... Theo Đông y, thịt chạch có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già… Vì thế, thịt chạch chế biến thức ăn nào cũng ngon như khô chạch, chạch kho nghệ…, nhưng hấp dẫn hơn cả là cá chạch nướng chấm nước mắm me.

Trước tiên, chạch bắt được (hay mua ở chợ về), lựa những con thật tươi, mập mạp. Rửa nước lạnh vài lần cho sạch nhớt, sau đó dùng gắp tre kẹp chạch nướng trên lửa hồng cho đến khi chín vàng là được. Nhớ đừng để chín quá thịt chạch khô mất ngon. Kế đến ta chuẩn bị "cây nhà lá vườn" như khế chua, chuối chát, dưa leo xắt sẵn cùng với rau thơm xếp ra dĩa. Và, sau cùng pha thêm một chén nước mắm me, thế là xong! Nhưng cũng nên lưu ý rằng khâu pha chế cuối cùng này rất quan trọng, vì nó quyết định chất lượng của món ăn. Nói thế, có nghĩa là ta phải pha nước mắm me sao cho có vị chua chua của me chín, vị ngòn ngọt của đường cát trắng, vị mằn mặn và thơm thơm của nước mắm, vị cay nồng của ớt chín…, và nhất là nước mắm pha không quá loãng để khi chấm phải "bắt" mới ngon.

Sưu tầm

Ao Bà Om Trà Vinh


   Ao Bà Om là một trong những danh thắng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, tọa lạc tại khóm 3, phường 8, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5 km về phía Tây. Với diện tích mặt nước khoảng 39.000 m2, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như Sao, Dầu có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt, mặt nước dưới ao phẳng lặng, có một lớp những hoa sen, hoa súng, những đàn cá tung tăng bơi lội, những chú vịt trời (Le le) cũng tụ họp về đây sinh sống tạo nên một phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Ao có dạng hình vuông nên người ta còn gọi là Ao Vuông.Trong dân gian có nhiều truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của Ao Bà Om, trong số đó thì truyền thuyết về "cuộc thi thố đào Ao" của một nhóm nam và một nhóm nữ trong làng được nhiều người chấp nhận nhất . 
 
Ao Bà Om Trà Vinh
Ao Bà Om Trà Vinh
Chuyện kể lại rằng: Ngày xưa, nam nữ muốn lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ lời trước vì phải chịu một khoảng chi phí rất lớn cho việc mua sắm lễ vật và tổ chức đám cưới cho cả hai họ. Và thế là nhân lúc hạn hán, dân làng bị thiếu nước dùng, Mẹ Sóc nghĩ ra cách cho nam nữ trong làng thi nhau đào ao để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày với quy ước chỉ đào trong một đêm, bắt đầu từ lúc trời tối và khi nào sao Mai mọc ở hướng Đông thì kết thúc, nếu bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và sâu hơn thì bên đó thắng cuộc, bên thua cuộc phải đi hỏi cưới bên thắng cuộc. 
 
Ao Bà Om Trà Vinh
Ao Bà Om Trà Vinh
Sau khi thống nhất hai bên tiến hành đào ao, bên nữ do Bà Om chỉ huy đã nghĩ ra cách là khi trời vừa tối Bà cho bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho quý ông. Riêng ở bên nam ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê uống rượu, đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, Bà Om cho treo ngọn đèn trên cây thật cao, các ông cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về. Bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về, kết quả là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, người ta lấy tên của Bà Om đặt cho địa danh Ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ cũng bắt đầu từ đây. Thắng cảnh Ao Bà Om, Chùa Âng, Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer là nơi thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, cắm trại, vui xuân, nhất là vào dịp lễ hội như: Lễ hội Ok Om Bok, ngày Tết Nguyên Đán hàng năm,…

(Ao Bà Om và Chùa Âng được Bộ Văn Hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá vào tháng 8 năm 1994).

Sưu tầm


Huyền Bí Chùa Dơi Sóc Trăng


Đi Sóc Trăng, mọi người đều nhắc là phải vào chùa Dơi thăm quan. Chùa Dơi có nhiều tên khác nhau, là Mã Tộc, là Mahatup, là chùa Đất Sét. Với những người ưa khám phá, thì chùa Dơi luôn là điểm đến lý tưởng và với nhiều điều bí ẩn mà con người không thể lý giải được.
Chỉ có ở chùa Mahatup
Người Sóc Trăng gọi chùa Dơi là chùa Mã Tộc. Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì đời thứ 19, nói: Chùa có tên chính thức là Mahatup. Những tên khác như chùa Dơi là được gắn với việc ở chùa có rất nhiều con dơi sinh sống. Chùa Đất sét là tên mà người ta đặt cho chùa bởi có nhiều pho tượng quý được tạc bằng chất liệu đất sét. Đã nhiều năm trôi qua, những pho tượng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật, tâm linh đối với người Khmer.

Cù Lao Dung



Cù Lao Dung

Bảo“Ai về Cù lao Dung, nhớ ghé bến Rạch Giá...

Đây đồng ruộng bao la, bát ngát đến xa vời...”
Lời “Bài ca du kích Long Phú” của cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương sáng tác từ những năm kháng chiến chống Pháp-cũng là bản nhạc nền của các chương trình PTTH Sóc Trăng, với lời ca hùng tráng sẽ được tấu lên đón chào bạn khi đặt chân đến đất Cù lao Dung, một huyện mới của tỉnh Sóc Trăng.
Nếu có dịp ghé Sóc Trăng, các bạn nên đến với Chùa Dơi - một địa chỉ du lịch độc đáo nổi tiếng của vùng này. Nằm cách thị xã Sóc Trăng 3km về phía Nam, Chùa Dơi mà tiếng Khơ Me gọi là Serâytécbômabatúp, có nghĩa là do phúc đức tạo nên.

Danh Lam Thắng Cảnh


Sóc Trăng nổi tiếng với hệ thống những ngôi chùa rất đẹp, có lịch sử lâu đời. Nhưng sẽ là thiếu nếu đến Sóc Trăng mà không làm một chuyến đến các cù lao có vườn cây xanh tốt, để được tắm mình trong không khí mát rượi, trong lành, được tận mắt tham quan vườn cây trái suốt bốn mùa.

Ấn tượng ở những khu vườn cây trái trên đất cồn ở Sóc Trăng khá giống nhau, đều mang đến cho du khách cảm giác thư thái sau những giờ phút ngột ngạt nơi phố thị. Thế nhưng, mỗi nơi đều để lại trong lòng mọi người những dấu ấn riêng về vùng đất và con người nơi đây. Về huyện Cù Lao Dung - được người dân ở đây ví von như hòn đảo nhỏ - con kình ngư ưỡn mình ra biển, với bao huyền thoại đã đi vào lòng người. Thú vị nhất là được ngồi trên chiếc vỏ lãi để chiêm ngưỡng rừng bần mút tầm mắt. Bước lên bờ, là vườn cây trái trĩu quả, những bờ rẫy thẳng tắp, báo hiệu mùa bội thu... Cù Lao Dung có rất nhiều tên gọi như Hổ Châu,