Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

"Mùa đìa" là gì? Nhiều bạn bè đã hỏi tôi như thế! Chẳng biết giải thích thế nào cho cặn kẻ… Ngỡ là một từ quen thuộc, vì với tôi sinh ra trên vùng đất của Bác Ba Phi và chụp đìa lại xuất phát từ đất này. Ngẫm lại, bạn bè có người biết, người không cũng là lẽ thường tình. Vì vậy tôi post bài này lên đây nhằm chia sẻ với bạn bè về một nghề có nét đặc thù ở quê tôi. Bài viết này là một kịch bản phim, nằm trong series phim của Chương trình Ký ức miền Tây mà chúng tôi đang thực hiện….

Chụp đìa nét đẹp miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Bán đảo Cà Mau là một vùng đất nổi tiếng trù phú với chim trời, cá nước. Bởi lẽ, vùng đất đã sản sinh rất nhiều sản vật, đồng thời đây là vùng đất khai mở muộn màng nên điều kiện tự nhiên thích nghi đối với các loài tôm cá…

Hơn 300 năm trước, lưu dân tứ xứ đến vùng bán đảo Cà Mau lập nghiệp là những người rất nghèo khổ. Trong tay chỉ có tấm lưới, mấy ống trúm, lọp lờ hay vài ngọn cần câu. Vậy rồi, nguồn lợi tự nhiên ở đây hào phóng đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp nên nhà nên cửa…

Trong ký ức của nhiều người hẳn còn nhớ những địa danh từng có một thời nổi tiếng cá đồng như U Minh, Tân Duyệt, Bàu Hang, Thanh Tùng…

Bây giờ đang bước vào mùa khô và chắc nhiều người không quên mùa đìa ở miệt Cà Mau…
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây


Thuở xa xưa, nghề đìa cá hầu như làng xóm nào cũng có, gia đình nào cũng có. Vì thế mà nghề đìa cá hoạt động phong phú như một thứ văn hóa. Nó có cả những kinh nghiệm bí truyền bởi không phải đào đìa ở đâu cá cũng rút về vào mùa nắng hạn.

Đìa là một cái ao được người chủ đất chọn vị trí trong khu bao ngạn trên phần đất của mình. Độ sâu của đìa từ 2 đến 3 mét, ngang từ 5 đến 7 mét và dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ, có đìa dài hơn 50 mét.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

Thu hoạch cá đìa có nhiều cách như: tát, kéo lưới, mò cá.v.v… nhưng chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất. Theo vài tài liệu nghiên cứu gần đây, thì chụp đìa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và ra đời ngay tại vùng đất của Bác Ba Phi.

Chuyện kể rằng : Hồi trước quê Bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác. Cá nhiều, đìa lại lớn, công tát mất mấy ngày trời đìa mới cạn. Mấy năm đầu, Bác Ba phải đươn lưới vải đề lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại – hàng xóm của Bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đở tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây

Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Và, không bao lâu sau, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…

Giàn lưới chụp đìa là một tấm lưới ni – lông, mắt lưới nhỏ và tấm lưới ấy luôn dài hơn và rộng hơn khẩu đìa.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Sau khi dọn sạch cỏ mặt nước trong đìa, người ta thả cuộn lưới ấy giữa lòng đìa và hai người ở dưới nước căn viền lưới ra hai bên thành đìa. Dùng ghim bằng một khúc cây sậy dài chừng 4 tấc, bẻ gập đôi lại và ghim viền lười vào thành đìa, ngập dưới mặt nước chừng 2 tấc và khoảng cách chừng 6 tất một cây ghim.

Sau khi ghim toàn bộ viền lưới vào thành đìa xong, tức là toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Khi cá thấy ngộp và sẽ nem vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên.

Đợi chừng hơn 1 giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi mới kéo lưới gom cá về một đầu đìa để bắt
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp đìa như thế, tất cả cá bắt được đều rất khoẻ mạnh. Nước dưới đìa còn nguyên vẹn và người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau. 

Ngày trước khi cá còn rất nhiều, có những khẩu đìa thu hoạch hơn cả chục tấn cá, nên khi kéo lưới đến hơn nửa chiều dài của đìa là phải xúc cá. Vì vậy người ta neo lưới lại để cho nhân công làm cá trong vài ngày; chứ tát đìa thì không thể làm được điều này.

Hồi ấy, thương lái mua cá đồng không nhiều trong khi lượng cá ở xứ này lại quá lớn, nên cá phải làm khô, làm mắn để bán từ từ… Lúc đó xóm làng như mở hội, người ta vạn vần đổi công để bắt cá làm mắm, làm khô.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Ở Bán đảo Cà Mau nổi tiếng hơn cả là khô cá bổi (có nơi gọi là cá sặc rằn). Loài cá này chỉ có làm khô là ngon nhất, so với cách chế biến khác. Vã lại, cá bổi chiếm hơn một nửa trong tổng sản lượng cá chụp được trong một khẩu đìa nên chỉ còn cách làm khô. 

Cá bổi chỉ cần đánh vãy, vạc xéo hai mang cá, móc ruột, đem rữa sạch, muối vào khạp qua đêm và sáng hôm sau rữa lại, rồi đem phơi. Chỉ khoảng hai ngày nắng tốt là cá đã khô.

Người Cà Mau có một cách bảo quản cá khô bổi rất độc đáo là đem khô trải đều trên bồ lúa, sau đó đổ lúa lên khỏa bằng. Hai tháng sau đem khô ra nướng nhậu với rượu đế là tuyệt vời. Thứ khô này chỉ có khách quý mới mang ra đãi.
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chụp Đìa - Nét Đẹp Miền Tây
Chính nguồn lợi cá đồng đã thổi hồn cuộc sống phong phú lên đồng ruộng hoang vu. Những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực đến đây khẩn hoang bắt gặp được một vùng đất có rất nhiều sản vật, cộng với sự sáng tạo của mình đã làm nên một cuộc đổi đời, một nếp sống, nếp sinh hoạt đặc biệt của làng quê. 

Bây giờ, đồng đất nơi đâu cũng làm lúa tăng vụ, con cá đồng không thể sống trong môi trường quá nhiều hoá chất. Nghề đìa cá ở miệt bán đảo Cà Mau cũng đã và đang lụi tàn dần.

Quả thật, bây giờ chụp đìa còn rất ít và không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là chuyện kể mà thôi. Đối với những ai từng biết về vùng bán đảo Cà Mau, biết về sự giàu có sản vật đến nức tiếng cả nước của đất đai này, hy vọng sẽ gợi lại một chút hoài niệm, một chút nhớ thương, một chút tự hào về xứ sở ngay từ trong ký ức của mình...

Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét